Đầu tiên, cần phải phân biệt được vị trí (hay còn gọi là tọa, phương vị) và hướng. Vị trí là nơi mà cửa, bếp, bàn thờ, giường… đặt tại đó. Còn hướng tức là ở vị trí đó, cửa, bếp, bàn thờ, giường…nhìn về đâu, đó là hướng. Sau đây là các hướng cơ bản, cần phải xác định được:
Hướng nhà: là hướng của cả căn nhà, từ bên trong đi ra khỏi nhà nhìn về đâu, đó là hướng. Hướng nhà thường sẽ trùng với hướng của trục dọc căn nhà. Trường hợp nhà có hai hoặc ba mặt đường tiếp cận, thì hướng nhà sẽ xét dựa trên mặt đường chính, rộng rãi, đông đúc phương tiện.
Hướng cửa, hướng cổng: là hướng vuông góc với cạnh cửa, cạnh cổng. Đa số chúng ta thường nhầm lẫn rằng hướng nhà và hướng cửa là một, nhưng không phải vậy, cửa có thể đặt xéo so với mặt tiền, hoặc mặt tiền cũng có thể xéo so với trục căn nhà, như vậy thì hướng nhà và hướng cửa sẽ khác nhau. Cũng có ý kiến cho rằng, hướng cửa là hướng nối từ tâm nhà đến tâm cửa, tuy nhiên đó là vị trí cửa, tọa cửa, chứ không phải là hướng cửa.
Một căn nhà có thể có nhiều cửa, nhưng cửa quan trọng nhất chính là cửa ra vào thường xuyên. Người đi thì khí theo, phải có tác động từ phía con người thì mới tạo ra khí. Nếu khí từ cửa chính không tốt, thì hoàn toàn có thể đi lại ở cửa phụ để nạp khí tốt cho căn nhà.
Đối với căn hộ chung cư hoặc văn phòng trong các tòa nhà, hướng cửa được tính là hướng ra vào tòa nhà, ra vào căn hộ, văn phòng chứ không phải hướng ban công, vì người không thể tiếp cận từ ban công để vào nhà được. Vậy nên ban công chỉ được xem là nơi nạp khí, chứ không thể dựa vào hướng ban công để phi tinh, lập cực cho ngôi nhà
Hướng bếp: là hướng lưng người đừng nấu, hay còn gọi là hướng ngược lại so với hướng đứng nấu.
Hướng bàn thờ: là hướng ngược lại so với hướng người đứng khấn, hay có thể xem như hướng tượng, di ảnh nhìn.
Hướng bàn học, bàn làm việc: là hướng nhìn của người ngồi học, ngồi làm việc.
Một số lưu ý quan trọng
– Lưu ý khi đo hướng bằng la kinh, phải tránh nơi có nhiều kim loại, tránh gần điện thoại di động, vì dễ gây nhiễu, làm tọa độ đo được không chính xác. Khi muốn làm phong thủy chuyên sâu, thậm chí cần phải biết được tọa độ chính xác đến từng độ.
Vậy nên ngoài việc đo hướng trực tiếp, cần kiểm chứng được tọa độ chính xác thông qua ảnh chụp từ google map, hoặc chuẩn xác hơn thì cần dựa vào tọa độ góc ranh có in trên sổ hồng. Nếu sổ cũ không có tọa độ góc ranh thì cần lên cơ quan chính quyền để xin trích lục lại.
Từ các thông số tọa độ trên sổ hồng hoặc ảnh chụp từ google map, các kiến trúc sư sẽ sử dụng các phần mềm hỗ trợ, để biết chính xác hướng nhà và các hướng bạn cần tìm.
– Nguyên tắc trong phong thủy, các hướng nhà, cửa, bếp, bàn thờ, bàn làm việc,…đều phải nhìn về hướng tốt.
– Khi xác định hướng nhà, cần né các khoảng tọa độ: Đại Không Vong (là khoảng nằm giữa 2 cung) , Tiểu Không Vong (là khoảng nằm giữa 2 sơn trong 1 cung). Khi nhà rơi vào các tọa độ này, sẽ bị loạn khí, tạp khí vào nhà, dễ xảy ra nhiều vấn đề không may mắn.
Cụ thể, bạn nên tránh tìm hướng nhà có các tọa độ nằm ở các khoảng sau đây: 21°-24°; 36°-39°; 66°-69°; 81°- 83°; 111°- 114°; 126°- 129°; 156°- 159°; 171°- 174°; 201°- 204°; 216°- 219°; 246°- 249°; 261°- 264°; 291°- 294°; 306°- 309°; 336°- 339°; 351°- 354°.
*Thông tin trong bài mang tính chất tham khảo